Trong số hơn 200 triệu lít nước mắm được tiêu thụ trên thị trường, 75% là nước mắm công nghiệp, cho thấy sự tuột dốc báo động của ngành hàng sản xuất truyền thống.
Giám đốc điều hành một hãng
nước mắm nổi tiếng ở Phan Thiết cho biết, 10 tháng đầu năm doanh thu của công ty sụt giảm 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất từ trước đến nay.
“Tình hình buôn bán năm nay không bằng năm ngoái. Dường như người tiêu dùng không còn mặn mà với nước mắm truyền thống, bởi lẽ, trên thị trường nước mắm công nghiệp nhan nhản, lại nhiều khuyến mãi”, vị này bộc bạch.
Ông cũng cho hay, đối với
nước mắm truyền thống, chỉ có những khách hàng quen thuộc và hiểu biết thì mới sẵn sàng tìm mua. Còn lại, đa phần người dùng chỉ chăm chăm vào giá rẻ, khuyến mãi, nên 2 năm trở lại đây sản phẩm của ông bị vài công ty chuyên về nước mắm công nghiệp đánh bật ra khỏi các cửa hàng tạp hóa, chợ.
Nước mắm truyền thống ngày càng thất thế trước nước mắm công nghiệp. Ảnh: LT
“Để làm ra loại nước mắm đạt 30-40 độ đạm, chúng tôi thường phải mua muối trước một năm. Chẳng hạn như nước mắm sản xuất năm 2015, thì phải mua muối từ năm 2013 để qua 2014 cho magiê, mùi hăng ở muối bay hết mới đem ủ cá vụ từ tháng 4 đến tháng 8. Công sức bỏ ra quá lớn như vậy thì chúng tôi làm sao có thể bán giá quá rẻ được", vị giám đốc trên nói và cho biết thêm, trong khi đó, nước mắm công nghiệp chỉ cần mua nước cốt từ các vựa mắm, sau đó nêm nếm, pha chế chỉ trong một ngày là có thể làm ra cả nghìn lít, nên giá thành rất cạnh tranh. Nhiều nơi, nước mắm công nghiệp bán chỉ với giá 8.000 đồng một lít.
Còn riêng với kênh siêu thị, vị này cho hay, sản phẩm có mặt gần như hầu hết các hệ thống trên toàn quốc, cả nội lẫn ngoại. Tuy nhiên, vì bị lệ thuộc vào siêu thị nên công ty luôn phải chịu mức chiết khấu quá lớn, lên tới 25%. Thậm chí, tại một vài siêu thị, công ty chỉ làm gia công vì những nơi này đang đẩy mạnh hàng nhãn riêng. Để giải quyết khó khăn, doanh nghiệp đang tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, trung bình mỗi tháng khoảng 4 container, nhưng thương hiệu lại thuộc về bên phân phối.
Cũng gặp khá nhiều khó khăn và chịu áp lực khi sức mua sụt giảm, thương hiệu
nước mắm nổi tiếng Phú Quốc là Khải Hoàn hiện đã không còn bán trong bất cứ siêu thị nào.
“Trước đây chúng tôi có bán hàng vào Aeon Mall nhưng vì đơn vị này đòi hỏi mức chiết khấu quá cao, trong khi đó, sản phẩm bán ra không nhiều nên công ty đã rút khỏi hệ thống này”, đại diện Khải Hoàn cho biết.
Không những khó cạnh tranh trong siêu thị mà trên thị trường, đơn vị này cũng cho biết, người tiêu dùng không mấy mặn mà với sản phẩm vì hàng của công ty ít khuyến mãi. “Để làm ra chai nước mắm chất lượng công ty phải lựa chọn nguồn cá ngon, chất lượng đảm bảo nên chi phí cao gấp nhiều lần so với loại pha chế. Thế nhưng, hiện nay, khá nhiều
thương hiệu giả nước mắm Phú Quốc tràn lan trên thị trường khiến sản phẩm của công ty mất dần uy tín, ngày càng khó cạnh tranh”, đại diện trên cho hay.
Thừa nhận doanh nghiệp nước mắm truyền thống ở Phú Quốc đang gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo huyện đảo này cho biết, các cơ sở sản xuất nước mắm và số lượng thùng trong mỗi doanh nghiệp làm nước mắm ở địa phương đang giảm dần. Nhiều cơ sở không thể cạnh tranh với các tập đoàn lớn nên đã ngừng hoạt động, số khác thì chuyển sang bán nước mắm nguyên liệu cho các tập đoàn này để họ pha chế tung ra thị trường.
“Thực tế, người tiêu dùng đang bị lừa vì các loại nước mắm pha chế có giá gần như ngang bằng với nước mắm truyền thống. Thế nhưng, vì ham mẫu mã đẹp, khuyến mại, quảng bá rầm rộ nên khách hàng đã lựa chọn sản phẩm kém chất lượng”, lãnh đạo Phú Quốc nhận xét.
Khảo sát tại các hệ thống siêu thị cho thấy, trên kệ hàng tại Big C, Co.opmart, Aeon Mall, Metro… xuất hiện vài chục sản phẩm với nhiều thương hiệu nước nắm khác nhau. Đặc biệt, sản phẩm hàng nhãn riêng tại siêu thị chiếm số lượng khá lớn. Nếu trước đây sản phẩm nước mắm truyền thống được bán nhiều tại siêu thị thì nay thưa dần và nhường chỗ cho các loại nước mắm pha chế. Thậm chí, nhiều sản phẩm nước mắm pha sẵn có tỏi, ớt được đặt ở vị trí đẹp và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Giá các sản phẩm này dao động 80.000-90.000 đồng một lít.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu trên 7.000 tỷ đồng. Trong đó, có tới 150 triệu lít là nước mắm công nghiệp, tương đương khoảng 75%. Đặc biệt, con số này sẽ càng gia tăng nếu người tiêu dùng dần quay lưng với nước mắm truyền thống. Hiện nay, hầu hết thị phần nước mắm nằm trong tay các tập đoàn lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ dường như đã đuối sức và bỏ mặc thị trường.
Đánh giá của một chuyên gia trong nghề cho biết, hiện nay không chỉ nước mắm Phú Quốc mà hàng loạt các doanh nghiệp ở Nha Trang, Bình Thuận như Liên Thành, Hưng Việt, Hạnh Phúc... cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bởi theo ông, một lít nước mắm nguyên chất được các nhà sản xuất thu mua với giá 30.000-50.000 đồng rồi về chế biến, pha chế thành 5 lít nước mắm công nghiệp với giá bán ra khoảng 20.000-25.00 đồng một lít. Như vậy, với sự chênh lệch trên, vô tình làm nước mắm nguyên chất bị mai một và thị phần nước mắm gần như nằm trọn trong tay của doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp. Cũng từ đây thói quen tiêu dùng đã được hình thành và không dễ gì ngày một, ngày hai xóa bỏ được. Đáng chú ý, để giữ vững và đánh chiếm thêm thị phần, các hãng lớn luôn mạnh tay chi tiền cho công tác quảng bá tiếp thị chiếm tới 50-60% lợi nhuận.
"Chỉ khi nào người tiêu dùng ý thức được chất lượng sản phẩm, thay đổi thói quen, còn nhà sản xuất nước mắm truyền thống giữ được uy tín thì khi ấy thị trường nước mắm sẽ có sự phân chia lại thị phần", chuyên gia trên nói.
Các tin tức liên quan:
- 80% nước mắm Phú Quốc là giả
- Hướng dẫn cách phân biệt nước mắm Phú Quốc thật và giả
- Cách làm nước mắm gừng ngon
Theo: Thi Hà - Vnexpress.net
Tag: Nươc mam truyen thong, nuoc mam phu quoc truyen thong, mua nuoc mam truyen thong