Ngày 17/10, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) công bố cuộc khảo sát trên 150 mẫu
nước mắm tại 19 tỉnh thành; phát hiện có đến 101 mẫu (chiếm 67,33% số nước mắm được khảo sát có hàm lượng thạch tín (Arsen) tổng vượt ngưỡng cho phép.
Đáng chú ý, kết quả nhấn mạnh vào những loại mắm có hàm lượng độ đạm cao, đồng nghĩa với Asen tổng cao. Cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tím vượt ngưỡng quy định.
Trao đổi với BizLIVE, ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cho biết, muốn công bố sản phẩm chuẩn phải lấy mẫu nước mắm ở các nhà sản xuất, không thể sử dụng các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, việc đưa ra số liệu thông tin không chính xác ảnh hưởng
nước mắm truyền thống, làm người tiêu dùng hoang mang và quay lưng lại nước mắm cổ truyền.
Ông Hiến cũng cho biết, về chỉ số Arsen có quá mức hay không, việc ăn nước mắm cũng không ảnh hưởng đến sức khoẻ vì quy chuẩn cho phép sử dụng khoảng 200g cá/bữa ăn, trong khi 200g cá tương đương là 200ml-250ml nước mắm.
“Một người ăn bữa cơm làm sao ăn hết 200ml do đó cần phát ngôn chuẩn. Nước mắm truyền thống chỉ có muối và cá thành nước mắm thành phẩm còn nước mắm công nghiệp đủ các loại hoá chất không biết độc hại hay không nhà nước cho phép sản xuất thì sản xuất vì vẫn dưới ngưỡng cho phép, vẫn an toàn còn nếu xét về vấn đề an toàn chắc chắn nước mắm truyền thống an toàn hơn nhiều”, ông Hiến nhấn mạnh.
Ông Hiến đặt câu hỏi: “Nước mắm công nghiệp còn có phụ gia, hoá chất hương liệu, đằng này nước mắm truyền thống không phải cho gì mà còn bảo độc hại thì độc hại gì?”.
Cũng theo vị đại diện hiệp hội,
doanh nghiệp trong đó có
Masan đã tác động mềm đến các nhà quản lý. “Nói mà không nghĩ sâu, không nghĩ đến ngành sản xuất, người tiêu dùng làm người tiêu dùng hoang mang.
Nồng độ Asen trong nước mắm công nghiệp, phải nói là nước chấm, nước muối không có vì làm gì có cá, toàn hương liệu, tạo màu”, ông Hiến cho biết thêm.
Ông Hiến cũng thông tin thêm rằng, tại Phan Thiết hiện có trên 100 cơ sở sản xuất nước mắt truyền thống, hiện Hiệp hội có trên 40 thành viên với thị trường chủ yếu trong nước. Mới đây, thương hiệu nước mắm Phan Thiết đã được đăng ký thương hiệu tại Mỹ, Thái Lan, Campuchia, có cơ hội lớn xuất được sang thị trường khó tính.
Trao đổi bên lề buổi công bố ngày 17/10, TS. Trần Thị Dung, chuyên gia thuỷ sản cho rằng những thông tin về Arsen trong kết quả khảo sát trên là không đúng vì tiêu chuẩn Việt Nam không có. Hiện tại, chỉ có quy chuẩn về kim loại nặng như chì, thuỷ ngân...
TS, Dung cũng cho biết, Bộ Y tế chỉ quy định Arsen vô cơ nhưng ở đây lại khảo sát Arsen tổng rồi kết luận Arsen vô cơ không có. Chưa kể kết quả khảo sát còn kết luận các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì có hàm lượng Arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng. Kết quả khảo sát như vậy không công bằng đối với ngành sản xuất nước mắm nhất là nước mắm truyền thống vốn có độ đạm cao.
NGUYỄN THẢO
Nguồn: http://bizlive.vn/thuong-truong/lam-gi-co-arsen-trong-nuoc-cham-cong-nghiep-vi-khong-co-ca-2094604.html