Theo đó, sự suy kiệt nguồn cá cơm làm nguyên liệu sản xuất nước mắm đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến nghề truyền thống này. Đây là một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất, mang tính “sống còn” của các nhà thùng sản xuất nước mắm nơi này
Vùng biển Tây Nam bộ thuộc vịnh Thái Lan là ngư trường tập trung nhiều loại cá cơm sinh sống như cá cơm thường, cá cơm mõm nhọn, cá cơm sọc xanh, cá cơm săng, cá cơm than, cá cơm sọc tiêu…; trong đó, cá cơm than, cá cơm sọc tiêu làm nguyên liệu sản xuất nước mắm đạt độ đạm cao nhất và ngon nhất, làm nên thương hiệu
nước mắm Phú Quốc nổi tiếng suốt hơn 200 năm qua. Mật độ cá có nhiều ở khu vực quần đảo Thổ Chu, An Thới và Nam Du.
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, trong 10 năm qua, trữ lượng khai thác cá cơm ở vùng biển Tây Nam bộ đã giảm 20 - 30%, từ 172.000 tấn (2004 - 2005) giảm còn 130.000 tấn - 152.000 tấn (2012 - 2015); sản lượng khai thác từ 120.000 tấn (2004 - 2006) giảm còn hơn 80.000 tấn (2014 - 2015).
Cường lực khai thác cá cơm hiện nay đã vượt mức khai thác bền vững tối đa, báo động suy kiệt nguồn lợi thủy sản này trên ngư trường.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cho biết, sản lượng khai thác cá cơm của tỉnh đạt 18.000 tấn - 20.000 tấn/năm, tập trung phần lớn ở huyện Phú Quốc; trong đó, khoảng 70 - 80% làm nguyên liệu sản xuất nước mắm, số còn lại chế biến khô cá cơm. Hiện nay, nguyên liệu cá cơm chỉ đáp ứng 50 - 60% nhu cầu sản xuất nước mắm, với khoảng 20 triệu lít/năm.
Trong hơn 10 năm trở lại đây, do thiếu nguồn nguyên liệu cá cơm nên nhiều nhà thùng
sản xuất nước mắm ở Phú Quốc giải thể. Năm 2011 có khoảng 100 nhà thùng, đến năm 2016 giảm chỉ còn 56 nhà thùng.
Nguyên nhân dẫn tới suy kiệt nguồn cá cơm là do việc khai thác không mang tính bền vững, đánh bắt chưa đi cùng với tái tạo, khôi phục và bảo vệ đàn cá tự nhiên trên ngư trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, phương tiện nghề lưới kéo chiếm 32% khai thác khoảng 80% tổng sản lượng hải sản toàn tỉnh.
Số lượng đông đảo tàu cá với nghề lưới kéo chính là nguyên nhân dẫn đến suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, nguy cơ cao nhất là nhóm cá nổi như cá cơm bị đánh bắt quanh năm. Số lượng cá cơm bị hủy diệt chỉ để làm phân, chế biến thức ăn gia súc cũng không hề nhỏ.
Trước đây, ngư dân khai thác đánh bắt cá cơm bằng lưới vây không mang tính hủy diệt, sản lượng gần như 100% là cá cơm đã trưởng thành làm nguyên liệu rất tốt cho sản xuất nước mắm.
Thời gian qua, do nguồn cá cơm trên ngư trường cạn kiệt dần nên đa số ngư dân chuyển sang kết hợp lưới vây với sử dụng ánh sáng để khai thác. Một tàu lưới vây đi kèm 2 - 3 tàu chong đèn công suất cực cao để thu hút cá cơm tụ lại và thả lưới vây đánh bắt từ cá con đến cá trưởng thành khiến đàn cá tự nhiên trên ngư trường suy giảm, không kịp tái tạo so với cường lực khai thác đánh bắt dày.
Ở một diễn biến khác, trong 2 năm (2012 - 2013), ngư dân Kiên Giang và nhiều tỉnh, thành trên cả nước tập trung về vùng biển Tây Nam bộ khai thác đánh bắt cá cơm bán cho thương lái nước ngoài do giá mua gom cao gấp đôi ba lần so với mức bình thường làm cho những nhà thùng sản xuất nước mắm Phú Quốc điêu đứng.
Theo đó, việc khai thác đánh bắt cá cơm vô tội vạ diễn ra ồ ạt hủy diệt ngư trường tưởng chừng như không còn một loài cá cơm nào có thể sống sót được.
Mật độ tàu khai thác dày trên biển với hàng loạt những hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt như: sử dụng ánh sáng tụ cá kết hợp lưới với mắt lưới cực nhỏ vây bao; dùng thuốc nổ, xung điện, hóa chất đánh bắt tận diệt; khai thác không theo mùa vụ, không chọn lọc, xâm hại vùng cấm, vượt tầm kiểm soát của các ngành chức năng dẫn tới hệ lụy suy kiệt nghiêm trọng nguồn lợi cá cơm...
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) khẳng định, cá cơm là nguyên liệu không thể thay thế trong sản xuất nước mắm Phú Quốc. Sản phẩm nước mắm Phú Quốc đã có chiều sâu lịch sử hàng trăm năm qua của cha ông để lại, rất nổi tiếng cả ở trong và ngoài nước.
Việc khôi phục và bảo vệ nguồn lợi cá cơm trên ngư trường đang bị cạn kiệt là hết sức khẩn cấp, không những có tầm quan trọng đối với nghề sản xuất
nước mắm Phú Quốc mà còn có ý nghĩa đối với môi trường sinh thái biển.
Ngoài ngư trường cần được bảo vệ bằng những giải pháp đồng bộ hữu hiệu thì Chính phủ cần tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phối hợp cùng ngư dân trong khai thác đánh bắt cá cơm, vừa chủ động quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào sản xuất nước mắm ngon, vừa tái tạo, kiểm soát nguồn lợi thủy sản này.
Trong chiến lược phát triển và tái cơ cấu ngành thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang quy hoạch ngành kinh tế thủy sản biển theo hướng khai thác bền vững, thân thiện với môi trường. Khai thác đánh bắt kết hợp với tái tạo, khôi phục và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên; trong đó, có nguồn cá cơm.
Theo đó, một số giải pháp cấp bách đã được triển khai thực hiện như giảm cường lực khai thác đối với các nghề khai thác cá cơm; điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác phù hợp đối với nhóm cá cơm. Đồng thời, cấm nghề lưới kéo khai thác đánh bắt tuyến bờ; quy định cường độ ánh sáng của nghề lưới vây.
Bên cạnh đó, bảo vệ các hệ sinh thái, sinh cảnh nhạy cảm ở vùng biển ven bờ liên quan đến các khu vực bãi sinh sản tự nhiên của các loài thủy sản. Ngoài ra, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trong ngư dân về lợi ích của nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên biển để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, cùng chung tay khôi phục, bảo vệ và phát triển.
Để bảo tồn và phát triển nguồn cá cơm ở vùng biển Tây Nam bộ, các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu đánh giá lại loài thủy sản này, xác định rõ trữ lượng, sản lượng có thể khai thác đánh bắt, các vùng bãi giống tự nhiên, khu vực sinh sản.
Cùng với đó, rà soát, ổn định cơ cấu tàu thuyền khai thác đánh bắt phù hợp với trữ lượng cá cơm và khả năng cho phép của ngư trường. Đồng thời, khoanh vùng phục hồi, tái tạo, bảo tồn các hệ sinh thái và môi trường sống của cá cơm, quy định các vùng cấm khai thác, mùa vụ và kích thước mắt lưới đánh bắt cá cơm; nghiên cứu bảo tồn, phục hồi san hô, cỏ biển ở vùng, khu vực quan trọng để bảo vệ nguồn cá cơm và những loài thủy sản khác.
Song song với đó, các ngành chức năng thuộc tỉnh Kiên Giang cũng phối hợp với các lực lượng bảo vệ biển đảo tăng cường tuần tra, kiểm tra và kiểm soát ngư trường; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp xâm hại khu bảo tồn biển, vùng cấm khai thác để đánh bắt; nghiêm cấm và xóa triệt để các hành vi khai thác tận diệt bằng xung điện, thuốc nổ, hóa chất… gây nguy hại nguồn lợi thủy sản.
Đặc biệt, cấm triệt để khai thác đánh bắt cá cơm vào mùa sinh sản để tái tạo, phát triển bầy đàn nhanh, hạn chế những nghề đánh bắt thủy sản khác ảnh hưởng đến môi trường sống của cá cơm; thành lập các mô hình đánh bắt cá cơm khoa học, bền vững và thân thiện với môi trường; vận động các nhà thùng sản xuất nước mắm chỉ thu mua cá cơm trong mùa khai thác chính vụ, không thu mua khi cá cơm vào mùa sinh sản.