Không ít người đang ngờ rằng một lần nữa các thế lực đứng đằng sau nước mắm công nghiệp lại đang ra sức tấn công nước mắm truyền thống.
*LTS: Dự thảo Tiêu chuẩn nước mắm đang gây tranh cãi lớn khi muốn xóa ranh giới phân biệt giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Dưới đây là ý kiến của độc giả Trương Thắng gửi về Dân Việt, với góc nhìn "Tiêu chuẩn nước mắm để bảo vệ ai?".
Lần này, họ đi đường cái quan, chứ không lan man qua mặt giới truyền thông để khua dư luận rằng
nước mắm truyền thống nhiễm arsenic. Bởi sau vụ truyền thông bẩn đó, đã có trên 50 tờ báo bị xử phạt vì đưa tin thất thiệt.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN) vừa công bố dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Dự thảo liên quan đến nước mắm, một lần nữa lại gây ra "sóng gió".
Những cơ quan này lấy lý do bảo vệ người tiêu dùng, đưa ra cái gọi là tiêu chuẩn cho nước mắm, mà thực chất là bóp nghẹt ngành nước mắm truyền thống của Việt Nam bằng những tiêu chuẩn vô lý.
Ví dụ như thùng chứa phải màu sáng (ám chỉ bồn inox thay cho bồn gỗ và chum vại), nguyên liệu không được chứa tồn dư kháng sinh (dẫn tới việc phải khám nghiệm nguyên liệu đầu vào trong khi cá làm nước mắm chủ yếu là cá biển tự nhiên).
Tuy nhiên, miếng đòn hiểm nhất là tiêu chuẩn nước mắm phải chứa hàm lượng histamine dưới 40mg/100g tức 400mg trong một 1 lít. Đây là tiêu chuẩn mà chỉ nước mắm công nghiệp mới có thể đáp ứng được, vì thực chất đó là nước mắm pha loãng với nước lã và các phụ gia thực phẩm.
Nước mắm truyền thống không thể đạt tiêu chuẩn đó, bởi histamine vốn là phụ phẩm tự nhiên trong quá trình phân hủy cá.
Vậy các bộ trên căn cứ đâu mà đưa ra tiêu chuẩn về histamine cho nước mắm Việt Nam?
Họ căn cứ tiêu chuẩn Codex về nước mắm do Ủy ban Codex Việt Nam và Thái Lan đồng chủ trì biên soạn từ tháng 5.2006 và được thông qua tại Hội nghị đại hội đồng Codex (CAC) lần thứ 34 (7.2011). Việc đưa ra tiêu chuẩn này là một sự đã rồi của một quá trình âm thầm diễn ra từ hơn chục năm trước, khi mà Ủy ban Codex VN (do Bộ KHCN chủ trì) đã căn cứ vào quy định của Hội đồng Châu Âu (COMMISSION REGULATION (EC) No 2073/2005) để đưa ra tiêu chuẩn 40mg/100g cho nước mắm.
Câu hỏi đặt ra là tiêu chuẩn này có lợi cho ai? Có bảo vệ được sản phẩm
nước mắm truyền thống của Việt Nam không? Hệ lụy sâu xa đằng sau là gì?
Câu trả lời nằm ở chỗ, quy định về nước mắm của EC xuất phát từ các nước Bắc Âu, nơi có nghề cá rất phát triển nhưng không có nghề làm nước mắm và cũng hầu như không ăn nước mắm.
Vậy họ đưa ra quy định đó để làm gì? Chính là để bảo hộ cho nghề cá của họ. Lý do là, trong khoảng thời gian đó thủy sản VN đã rất thành công trong việc thâm nhập thị trường EU.
Một nguyên nhân quan trọng khiến cho giá thành các loại thủy sản của Việt Nam trở nên cạnh tranh chính là nhờ Việt Nam tận dụng được các phụ phẩm chế biến thủy sản xuất khẩu để làm nguyên liệu nước mắm. Ngoài ra, trong chuỗi khai thác, phân loại và chế biến thủy sản, nước mắm nằm ở khâu cuối cùng.
Rõ ràng dựng lên rào cản đối với ngành nước mắm sẽ khiến cho giá thành thủy sản xuất khẩu của VN tăng lên. Bộ KHCN Việt Nam đã bỏ qua điều đó và dễ dàng sao y con số 40mg histamine/100g nước mắm mà EC đưa ra, thay vì chỉ ra sự vô lý của nó.
Rằng tiêu chí đó thấp hơn nhiều so với một số loại thực phẩm phổ biến ở Châu Âu như pho-mai thối và xúc xích lên men (trên 2000ppm), rằng người ta phải húp ít nhất 250g, tức 1/4 chai nước mắm trong một bữa thì mới ăn vào được lượng histamine tương đương 100g cá ngừ đóng hộp!
Kết quả là tiêu chuẩn đó đã tạo điều kiện cho nước mắm công nghiệp của Thái Lan thắng thế và có mặt nhan nhản trong các siêu thị châu Âu, trong khi nước mắm truyền thống của Việt Nam không thể len vào được.
Giờ đây các cơ quan chức năng lại dấn thêm một bước để hạn chế nước mắm truyền thống và gây tổn hại cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Có phải Bộ đang bảo vệ người dân, bảo vệ những ngư dân và bà con nghề mắm, thưa bà con?
Theo Trương Thắng - DanViet.Vn